Quản lý chất lượng đào tạo lái xe bằng công nghệ

  • 21/12/2020
  • by admin
  • 805 lượt xem

Từ năm 2020, theo Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp giấy phép lái xe đã được Bộ Giao thông vận tải ban hành, nhiều quy định mới sẽ được áp dụng để siết chặt lại việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX).

 

Giám sát trực tuyến

Theo quy định mới, tới đây, việc đào tạo cấp GPLX sẽ bổ sung thêm hai môn học xử lý tình huống trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trong ca-bin. Theo đó, ca-bin tập lái sẽ được tích hợp nhiều tình huống, điều kiện thời tiết, cung đường giúp học viên tiếp cận thực tế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào việc thực hành trên sa hình với nhiều tình huống như sườn dốc, bão lũ, sông suối, các tình huống xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng để học viên rút kinh nghiệm. Chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2, C sẽ có thêm nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết – mô phỏng – trong hình – trên đường.

Với công tác đào tạo, từ ngày 1-5-2020, các cơ sở sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học của học viên trên lớp. Ô-tô tập lái cũng được lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học viên đi. Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Khi học viên bắt đầu đăng ký học, sẽ được cấp một mã số định danh và tài khoản đăng nhập gửi về trung tâm do Tổng cục quản lý. Theo đó, học viên phải chụp ảnh và đăng ký vân tay. Trên xe tập lái cũng có thiết bị chụp ảnh, mỗi khi học viên lên xe học sẽ phải đăng ký, chụp ảnh nhận dạng đúng người đó mới bắt đầu tính thời gian học. Trên xe cũng có thiết bị để giám sát hành trình theo dõi số km học.

Đặc biệt, từ ngày 1-1-2020, dữ liệu thi ở phòng lý thuyết và sân thực hành tại tất cả các địa phương trên cả nước phải truyền trực tiếp về Tổng cục qua camera giám sát. Tại phần thi thực hành, camera sẽ giám sát trực tuyến các khu vực có bài thi như: điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ, bài kết thúc. Hiện tại, năm địa phương gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An và Đà Nẵng đã thí điểm việc giám sát này.

Ngăn chặn tiêu cực

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Từ năm 2020, tất cả các trung tâm sát hạch đều phải truyền dữ liệu về Tổng cục để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các Sở Giao thông vận tải cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên cạnh đó, các trung tâm sát hạch cũng phải bảo đảm lưu dữ liệu tối thiểu là hai năm thay vì một năm như trước đây”.

Khi việc sát hạch chỉ truyền hoặc lưu giữ ở trung tâm sát hạch, đã từng xảy ra hiện tượng tiêu cực, mất dữ liệu. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ sẽ bảo đảm lưu trữ, giám sát tốt hơn, công khai, minh bạch hơn. Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch GPLX Đức Thịnh, Hà Nội cho rằng: Việc giám sát trực tuyến quá trình dạy cũng giúp nâng cao ý thức của giáo viên, học viên. Khi đó sẽ không còn tình trạng ăn bớt giờ học, sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, học viên cũng phải xác định trước tâm lý học thật, thi thật thì mới lấy được bằng.

Nhấn mạnh vai trò của việc siết lại chất lượng đầu ra, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: Tại các quốc gia phát triển, người dân có thể tự học lý thuyết, phần học thực hành do học viên tự chọn trung tâm dạy lái xe và học trực tiếp chỉ có một thầy, một học viên trên đường. Thậm chí một số nước còn cho phép người học có thể thực hành trên đường nếu có một lái xe kinh nghiệm ngồi cùng trên xe. Thời gian học thực hành tối thiểu bắt buộc không cao, nhưng quá trình sát hạch cả về lý thuyết lẫn thực hành đều rất chặt chẽ và rất khó, để làm chốt chặn cuối cùng đầu ra của học viên.

(Nguồn: Nhân dân)